1. Đặc điểm Hoa lan luôn có một sức hấp dẫn kỳ diệu bởi hương sắc mê hồn của nó. Mỗi loài mang một vẻ đẹp riêng, nhưng đồng thời nó cũng đòi hỏi một chế độ chăm sóc riêng về nhiệt độ, ánh sáng, nước tưới, phân bón. Trong cùng một loài thì các giai đoạn sinh trưởng cũng khác nhau, do đó cần sự chăm sóc khác nhau mới cho hoa đẹp theo nhu cầu của người trồng. Hoa lan có nhiều loài rất khó tính, yêu cầu người trồng lan phải có một số vốn kiến thức nhất định cộng với sự say mê, lòng kiên nhẫn và tính tỉ mỉ mới đảm bảo thành công. Khi các loài lan không được chăm sóc đúng kỹ thuật (đảm bảo các yếu tố về ánh sáng, dinh dưỡng, nhiệt độ, độ ẩm) thì cây sẽ bị yếu dần và đến một giai đoạn nhất định sẽ bị các đối tượng sâu, bệnh hại tấn công, nếu không phòng trừ kịp thời, cây lan chết rất nhanh. 2. Một số lưu ý 2.1. Chọn giống Muốn thành công trong trồng lan, người trồng nên tiến hành theo phương pháp từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều. Đầu tiên nên chọn các loài lan rừng hoang dã dễ trồng như: Đai Châu (Ngọc Điểm), Kiều, Tam Bảo Sắc… Trong quá trình chăm sóc, học hỏi kinh nghiệm, tích lũy dần kiến thức sau đó tăng dần số loài. Khi đã trồng thành công một số loài nói trên, người trồng nên thăm dò thị hiếu, và tập trung vào các loài có màu sắc đẹp, hương thơm, được nhiều người ưa chuộng. Một số giống lan đẹp, tương đối dễ trồng và cũng dễ cho hoa như: Hồ Điệp, Vũ Nữ, Đendrobium (đen-rô). Trồng loài nào phải tìm hiểu kỹ đặc tính sinh học và kỹ thuật trồng. Một số giống lan thích hợp để trồng kinh doanh như: Phalaenopsis (hồ điệp), oncidium, vanda, cattleya, đendrobium…có đặc điểm là cho hoa liên tục và hoa đẹp, bền và khoẻ thích hợp cho việc bảo quản đóng gói. 2.2. Chăm sóc Trong kỹ thuật trồng lan, quan trọng nhất là phương pháp điều khiển ra hoa. Phương pháp này khác nhau ở mỗi loài. Có loài chỉ phân hóa mầm hoa ở nhiệt độ dưới 200C, có loài phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng mà chủ yếu là tỷ lệ N:P:K. Khi cây đã đủ tuổi phát dục phải tăng tỷ lệ P và K cây mới phân hóa mầm hoa. Có loài phụ thuộc vào chế độ chiếu sáng ra hoa theo mùa. Nhìn chung, người trồng càng nắm vững kỹ thuật chăm sóc lan càng chi tiết thì cơ hội thành công trong trồng lan càng cao. Từ cách tưới cây, cách sang chậu và đặt chậu, phải thường xuyên chú ý đến độ ẩm. Hầu hết các loài hoa lan đều cần độ ẩm ổn định xấp xỉ 70%... Khi thay chậu, phải lưu ý đến một số vấn đề như: mức độ hư, mục của giá thể hoặc kích cỡ và tình trạng sinh trưởng của cây để quyết định thời gian thay chậu. Điều quan trọng nhất là sau mỗi lần thay chậu không được tưới nước hoặc phân ngay. Phải để các vết xước cơ giới trên cây lan được liền sẹo (ít nhất là sau một tuần) mới được tưới. Có thể dùng một trong các thuốc trừ nấm để phun phòng. 2.3. Phòng trừ sâu, bệnh Một trong những nguyên nhân làm người trồng lan thất bại là các đối tượng sâu, bệnh. Vì thế, khi trồng lan, cần chọn địa thế cao ráo, sạch sẽ, thông thoáng, độ ẩm phải được cung cấp đầy đủ và ổn định. Khi trồng cần phải dọn vệ sinh cho cây, cắt bỏ những cành hoa đã tàn, lá úa. Thường xuyên chăm sóc, theo dõi, quan sát hàng ngày những diễn biến của cây, phát hiện những dấu hiệu sinh trưởng bất bình thường trên cây để có thể xử lý kịp thời các đối tượng sâu, bệnh hại. Một số đối tượng sâu hại lan như: ốc sên, sâu hại thân lá có thể phun bằng các loại thuốc chứa hoạt chất Fennitrothion, trichlorfon như ofatox, patox, captan… Dùng các loại như: Supracid, bitox, Actara để trừ các loài chích hút như rệp, rầy. Hoa lan hay mắc các loại bệnh do nấm gây nên như: bệnh thối rễ, bệnh đốm lá, héo cánh hoa do nấm dùng các loại thuốc trừ nấm phun định kỳ như zinep, benlat… Bệnh vi rút, vi khuẩn đốm nâu gây ra nhiều đốm trũng trên lá cần phát hiện sớm, tách riêng các cây bị bệnh ra khỏi khu vườn và phun bằng thuốc RD20, Starner 20wp hoặc dùng Batocide phun đều lên cây. Hiệu quả hơn cả là áp dụng các biện pháp chăm sóc cân đối bằng các chế phẩm hữu cơ, phun thêm các loại phân vi lượng để cây khoẻ mạnh và có khả năng chống chịu tốt với thời tiết và các đối tượng sâu bệnh hại./. |
0 nhận xét :
Đăng nhận xét